Tìm kiếm

GIS đã được ứng dụng trong phòng chống sốt rét, sốt xuất huyết như thế nào?

GIS: thông tin tốt hơn cho ngành Y tế Cộng đồng   Ngay khi tập đoàn sản xuất vac – xin Chiron thông báo rằng không đủ liều vacxin cung cấp...

GIS: thông tin tốt hơn cho ngành Y tế Cộng đồng 


Ngay khi tập đoàn sản xuất vac – xin Chiron thông báo rằng không đủ liều vacxin cung cấp cho mùa dịch 2004 – 2005, Hệ thống dịch vụ sức khoẻ nhân loại (HHSS) Nebraska đã nhanh chóng nhận định hai việc cấp bách hiện nay là cung cấp vac-xin và xác định số lượng vac-xin cần thiết cho các quận trong bang. Khi nhận định này được đưa ra, HHSS đã phát triển một phương pháp hiệu quả trong việc cung cấp vac-xin khan hiếm.

Các cơ quan GIS nhanh chóng vào cuộc đưa những thông tinđánh giá tình hình và các nỗ lực ứng phó. Hàng tuần, các thông tin thống kê vac-xin cúm được cập nhật lên cấp Bang, giúp định rõ nơi cung cấp và đảm bảo mọi người dân trong danh sách ưu tiên được cấp đầy đủ vac – xin. Với vai trò ban đầu là nghiên cứu dịch tễ học, GIS giờ đây đã được dùng trong ngành y tế cộng đồng một cách rộng rãi cả về số lượng tổ chức sử dụng lẫn các dạng ứng dụng.

Từ việc phát hiện, ứng phó với việc bùng phát dịch bệnh truyền nhiễm cho đến việc cung cấp dịch vụ nhằm đảm bảo an toàn cho cấp nước và lương thực, khả năng tích hợp và phân tích dữ liệu của GIS sẽ không chỉ đơn thuần cung cấp dữ liệu mà còn cung cấp cách tiếp cận và quản lý thông tin tốt hơn.
Dịch bệnh bùng phát có liên quan chặt chẽ với môi trường tự nhiên và kinh tế xã hội. Ví dụ, trong khu vực mà việc cấp nước thiếu thốn thì bệnh dịch tả là vấn đề thường xuyên. Bệnh sốt rét xảy ra điển hình ở vùng thuận lợi cho sự sinh sôi của muỗi.

Viện ung thư quốc gia Mỹ (NCI) đã phát triển lượng lớn các ứng dụng GIS cơ bản trong việc tìm hiểu mô hình địa lý về tỷ lệ ung thư, theo dõi phát hiện và các tác động tới cộng đồng, đánh giá thực trạng môi trường, mô hình hoá sự lây lan và tỷ lệ sống sót của căn bệnh ung thư, xác định sự khác biệt về y tế, liên kết với cộng đồng và các chuyên viên nghiên cứu khác.

GIS có ý nghĩa quan trọng trong việc phát hiện, quản lý và ứng phó với sự bùng phát dịch bệnh. Trong một thế giới liên tục chuyển động như ngày nay, dịch bệnh có thể đi xa hơn và nhanh hơn trước kia. Từ một trường hợp đầu tiên phát hiện năm 1981, căn bệnh HIV/AIDS đã nhanh chóng lan khắp toàn cầu và là nguyên nhân của hơn 20 triệu cái chết.

GIS đang giúp cho việc quản lý điều trị cho các bệnh nhân nhiễm virut HIV ở Châu Phi. Dự án CellLife ở Nam Phi đã tích hợp GIS với các công nghệ khác nhằm tập hợp thông tin về việc phân phát thuốc một cách tốt hơn. Dự án này kết hợp với việc ứng dụng Cell phone, dữ liệu trên Internet, dữ liệu về HIV/AIDS và công nghệ GIS nhằm giúp các nhân viên y tế có thể nắm bắt cụ thể rõ ràng việc cung cấp thuốc cho từng người nhiễm HIV.

Mối đe doạ đối với ngành Y tế cộng đồng không chỉ là sự bùng phát trực tiếp của dịch bệnh mà còn là sự bùng phát gián tiếp qua quá trình cung cấp thức ăn. Sự bùng phát này có thể xảy ra từ nguyên nhân chủ quan lẫn hiện tượng tự nhiên. Bộ Nông nghiệp Mỹ đang triển khai một chương trình theo dõi động vật, tập trung trước hết vào vật nuôi. Chương trình này sử dụng GIS và các công nghệ thông tin khác nhằm xác định những ảnh hưởng và đặc tính của con vật trong 48 tiếng và xác định được con vật nhiễm bệnh. GIS đã chứng tỏ được giá trị của mình không chỉ trong việc quản lý sự bùng phát dịch bệnh mà còn trong việc quản lý các chương trình phòng chống và đo đếm được hiệu quả.

Giá trị của GIS trong ngành Y tế cộng đồng đã được thừa nhận rộng rãi. Mới đây, một hội nghị có sự tham gia của các lãnh đạo và các chuyên viên chăm sóc y tế từ Châu Phi, Châu Âu và Trung Đông đã được tổ chức bởi ESRI, HP, SAP, và Microsoft: "Viện chăm sóc Y tế - Dịch vụ chăm sóc y tế tối ưu và kiểm soát quỹ y tế" tập trung vào việc sử dụng GIS để đáp ứng các nhu cầu ngày càng cao của hệ thống chăm sóc y tế. Hội nghị được tổ chức vào 16 -17 tháng 3 năm 2005 tại Viên - Áo đã nêu lên sự kết hơp chặt chẽ giữa công nghệ GIS với nguồn dữ liệu và kế hoạch của các cơ quan.

GIS đã được ứng dụng trong phòng chống sốt rét, sốt xuất huyết như thế nào?

Cho đến nay trên thế giới đã có hàng loạt ứng dụng GIS và công nghệ viễn thám trong phòng chống các bệnh truyền nhiễm, bệnh xã hộinói chung và sốt rét, sốt xuất huyết nói riêng. Điển hình là các nghiên cứu của các tác giả như: Kaya. S với Ứng dụng công nghệ viễn thám xác định các yếu tố môi trường liên quan đến nguy cơ mắc sốt rét tại Kennya (The use of remote sensing for identifying Enviromental Factors Associated with Malaria Risk in Kenya), 2002.Tác giả Alharthy (2007). Vai trò của GIS trong chiến lược quản lý phòng chống sốt xuất huyết tại Jeddah, Ả Rập Saudi (Role of GIS in Dengue Control Management Strategy at Jeddah Municipality, Saudi Arabia). Tác giả Srivastava với Ứng dụng GIS trong dự báo sự phân bố véc-tơ sốt rét tại Ấn Độ, 1998 (Application of GIS to predict distribution of malaria vectors in India)… và nhiều công trình nghiên cứu khác (xem tài liệu tham khảo).


Số lượng BNSR 11 tháng 2010 của MT-TN hiển thị theo mức độ đậm nhạt

Tại Trung Quốc, tại Khóa đào tạo phòng các chống bệnh ký sinh trùng cho các nước đang phát triển tại Thượng Hải tháng 11/2009 (Training course o­n parasitic diseases for developing countries in Shanghai, China), đã công bố những kết quả liên quan đến ứng dụng GIS trong phòng chống bệnh Schistosomiasis. Gần đây, tại Hội thảo Công nghệ mới trong chiến lược loại trừ sốt rét khu vực sông Mê-Kông (Workshop o­n malaria elimination strategy and new technology in mekong region) diễn ra tháng 10/2010 tại thành phố Wuxi đã khẳng định việc ứng dụng GIS là một trong những công nghệ mới ưu tiên nằm trong chiến lược loại trừ sốt rét ở Trung Quốc trong những năm tới.

Ở Việt Nam, cho đến nay chỉ có vài nghiên cứu ứng dụng của GIS được công bố, điển hình là công trình “Ứng dụng công nghệ Viễn thám và GIS trong dự báo nguy cơ sốt rét tại huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận, 2002” của tác giả GS Nguyễn Ngọc Thạch và ThS. Nguyễn Thị Hồng Nhung (Khoa Địa lý, Trường Đại học Khoa học tư nhiên Hà Nội).


Sử dụng GIS trong so sánh phân bố sốt xuất huyết 2003 và 2007 của các nước Đông Nam á
Nguồn: Báo cáo của WHO SEARO

Theo PGS.TS. Lê Xuân Hùng – Phó Viện trưởng Viện Sốt rét-KST-CT Trung ương, trong phòng chống bệnh sốt rét ở nước ta, đã có một số nghiên cứu ứng dụng GIS để theo dõi, giám sát diễn biến dịch tễ và dự báo nguy cơ xảy dịch. Kết quả của các nghiên cứu cho thấy các yếu tố tự nhiên, môi trường... có liên quan chặt chẽ đến lan truyền bệnh sốt rét. Tư liệu viễn thám, các phương pháp xử lý sẽ cung cấp các thông tin quan trọng, khách quan như chỉ số thảm thực vật (NDVI), sự thay đổi của chỉ số này đi cùng với các chỉ số khác như địa lý, khí hậu, lượng mưa và cũng cho chúng ta biết được sự phân bố, vị trí của các ca bệnh trên bản đồ địa lý. GIS là công cụ hữu hiệu để xác định các yếu tố tự nhiên, môi trường, xã hội nói trên, làm cơ sở cho xây dựng bản đồ nguy cơ sốt rét, xây dựng hệ thống giám sát và dự báo dịch sớm, từ đó có biện pháp phòng chống hiệu quả. Đưa công nghệ GIS vào nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến sự phân bố và mức độ lưu hành của bệnh sốt rét trong chương trình phòng chống sốt rét ở Việt Nam hiện nay là một vấn đề thực tiễn và cần thiết, giúp cán bộ y tế dự báo, giám sát tình hình bệnh, từ đó có biện pháp ngăn chặn nguy cơ xảy dịch, bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng.
Khó khăn trong ứng dụng công nghệ hiện nay đối với ngành y tế nói chung và phòng chống sốt rét nói riêng là việc sử dụng các số liệu cơ bản về địa lý (thôn bản, cơ sở y tế...), thiếu cán bộ sử dụng thành thạo thông tin địa lý. Thiếu phương tiện như máy tính và nghèo thông tin... Đầu tư cho GIS tốn nhiều thời gian, công sức và cả nguồn kinh phí (đặc biệt là dữ liệu ảnh vệ tinh). Mặt khác hầu hết các phần mềm GIS còn phức tạp và cồng kềnh, đòi hỏi cán bộ thực hiện công việc này phải được được đào tạo, tập huấn và có kiến thức nhất định về tin học.


Phòng chống sốt rét phải có những phương pháp tiếp cận mới trong hệ thống thông tin nhằm phát hiện và dự báo những diễn biến bất thường của bệnh. Hệ thống giám sát dịch tễ và dự báo dịch sớm dựa vào màng lưới hệ thống y tế, cơ sở dữ liệu đa ngành hiện tại tuy đã có nhiều hiệu quả, song vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu giám sát dịch bệnh, đặc biệt là hiện nay những thách thức lớn mà chúng ta đang phải đối mặt như giao lưu dân số, ô nhiễm môi trường, phá rừng, thiên tai... chiếm một không gian địa lý quan trọng. Để có được kết quả tốt hơn, hiện nay công nghệ viễn thám (remote sensing) với những hình ảnh vệ tinh và hệ thông tin địa lý GIS đang dần được ứng dụng để giám sát các bệnh truyền nhiễm, trong đó có sốt rét.


Sự phân bố ca TVSR 11 tháng 2010 của MT-TN

Thay cho lời kết

Việc ứng dụng công nghệ GIS và viễn thám trong phòng chống, dự báo bệnh tật nói chung cũng như sốt rét, sốt xuất huyết, bệnh ký sinh trùng và véc-tơ truyền nói riêng ở Việt Nam, đặc biệt là khu vực miền Trung – Tây Nguyên thực sự rất cần thiết trong thời gian tới. Để thực hiện được lĩnh vực này cần có sự quan tâm của Bộ Y tế (Cục Y tế dự phòng, Cục Môi trường, Vụ Khoa học và Đào tạo), Chương trình Quốc gia PCSR, Lãnh đạo, Hội đồng Khoa học – Công nghệ của 3 Viện Sốt rét-KST-CT và sự hỗ trợ từ các Viện địa lý và Viện Công nghệ thông tin Quốc gia.

Qua bài viết này, tác giả rất mong muốn các ý kiến đóng góp, thảo luận, chia sẽ thông tin, hợp tác về lĩnh vực GIS/ArView/HealthMapper trong PCSR, sốt xuất huyết, bệnh ký sinh trùng và côn trùng truyền bệnh của các chuyên gia, đồng nghiệp trong khu vực miền Trung – Tây Nguyên.

Xem thêm

0 Comments